Nguồn phơi nhiễm với asen là gì?

Asen là một thành phần tự nhiên của vỏ trái đất và được phân bố rộng khắp trong môi trường không khí, nước và đất. Nó có độc tính cao ở dạng vô cơ.

Con người bị phơi nhiễm với asen vô cơ thông qua nguồn nước uống bị nhiễm asen, sử dụng nước nhiễm asen để chế biến thực phẩm và tưới cho cây lương thực, quá trình công nghiệp, ăn uống thực phẩm bị nhiễm asen và hút thuốc lá.

Tiếp xúc lâu dài với asen vô cơ, chủ yếu thông qua nước uống bị nhiễm asen, ăn các thực phẩm được chế biến với nguồn nước này và ăn phải thực phẩm mà cây trồng được tưới bằng nước giàu asen, tất cả những điều này có thể dẫn nhiễm độc asen mạn tính. Tổn thương da và ung thư da là những dạng ảnh hưởng đặc trưng nhất.

Nước uống và thực phẩm?

Mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng từ asen bắt nguồn từ nước ngầm bị nhiễm asen. Ở một số quốc gia thì mức độ asen cao vốn tồn tại sẵn trong nước ngầm như Argentina, Bangladesh, Chilê, Trung Quốc, Ấn Độ, Mexicô, và Hoa Kỳ. Nước uống bị nhiễm asen, ăn các thực phẩm được chế biến với nguồn nước này và ăn phải thực phẩm mà cây trồng được tưới bằng nước nhiễm asen là những nguồn phơi nhiễm bởi asen.

Cá, động vật có vỏ, thịt, gia cầm, các sản phẩm từ sữa và ngũ cốc cũng có thể là nguồn asen, mặc dù mức độ phơi nhiễm từ những loại thực phẩm này thường thấp hơn nhiều so với nước ngầm bị nhiễm asen. Trong hải sản, asen chủ yếu được tìm thấy ở dạng hữu cơ ít độc hại hơn.

Các triệu chứng của nhiễm độc asen là gì?

Các triệu chứng đầu tiên của tiếp xúc lâu dài với nồng độ asen vô cơ cao (ví dụ như thông qua nước uống và thực phẩm) thường được quan sát thấy trên da, và bao gồm các thay đổi sắc tố da, tổn thương da và các vảy sừng cứng trên lòng bàn tay và lòng bàn chân. Những biểu hiện này xuất hiện sau một khoảng thời gian chừng 5 năm tiếp xúcvà có thể là biểu hiện ban đầu của ung thư da.

Ngoài ung thư da, tiếp xúc lâu dài với asen cũng có thể gây ra ung thư bàng quang và phổi. Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu về Ung thư (IARC) đã đưa asen và các hợp chất của asen là chất gây ung thư cho con người, và cũng đã tuyên bố rằng asen trong nước uống gây ung thư cho con người.

Làm thế nào để ngăn ngừa tiếp xúc với arsenic?

Hành động quan trọng nhất trong các cộng đồng bị ảnh hưởng là công tác phòng chống tiếp xúc với asen bằng việc cung cấp một nguồn nước an toàn cho ăn uống, chế biến thực phẩm và nước tưới cho cây trồng. Có một số lựa chọn để làm giảm mức độ asen trong nước uống.

  • Thay thế nguồn nước nhiễm asen cao, như nước ngầm bằng nguồn nước an toàn, asen thấp như nước mưa và nước mặt đã được xử lý. Nguồn nước asen thấp có thể được sử dụng cho mục đích uống, nấu thức ăn và tưới cho cây trồng, trong khi nguồn nước asen cao có thể được sử dụng cho các mục đích khác như tắm giặt.
  • Phân biệt giữa các nguồn asen cao và asen thấp. Ví dụ, kiểm nghiệm nước giếng khoan và giếng đào cho hàm lượng asen và màu sắc khác nhau. Đây có thể là một phương pháp hiệu quả và chi phí thấp để nhanh chóng làm giảm tiếp xúc với arsenic khi được đi kèm với giáo dục hiệu quả.
  • Pha nước có hàm lượng asen thấp với nước có hàm lượng asen cao hơn để đạt được một mức độ asen đủ thấp chấp nhận được.
  • Lắp đặt hệ thống loại bỏ asen – có thể là hệ thống tập trung hoặc hộ gia đình – và bảo đảm việc xử lý thích hợp cho việc loại bỏ asen. Những công nghệ loại bỏ asen bao gồm quá trình oxy hóa, keo tụ – kết tủa, hấp thụ, trao đổi ion và kỹ thuật màng lọc. Ngày càng có nhiều lựa chọn cho việc loại bỏ asen với chi phí thấp và hiệu quả ở cấp độ nhỏ hoặc hộ gia đình, mặc dù vẫn còn những hạn chế chứng minh hệ thống này hoạt động có hiệu quả trong khoảng thời gian dài.

Đối với tắm giặt hoặc mục đích sử dụng khác?

Trừ phi nồng độ asen lớn hơn 500 ppb (0.5 mg/l), việc tắm rửa và sử dụng khác trong gia đình đều an toàn. Asen không dễ dàng hấp thụ qua da và không bay hơi vào không khí.